30 năm sống một mình vì "hổng ai thương hết"
Những ngày cuối năm 2019, chúng tôi tìm về ấp Bảy Xào Dơi B, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh nơi cô Công ty dịch thuật Đồng Nai Thạch Thị Sa Ngưu (58 tuổi, dân tộc Khơ-me) đang sinh sống.
Nằm lọt thỏm phía sau vườn, trong căn nhà lá xập xệ dựng tạm bợ bốc lên mùi ẩm mốc, một người phụ nữ trạc tuổi cố nhíu đôi mắt lờ mờ của mình bước về phía cửa.
Hơn 30 năm qua, cô Ngưu chỉ biết lủi thủi trong nhà không dám ra ngoài vì sợ người khác kỳ thị.
Co người lại theo phản xạ tự nhiên, cô Sa Ngưu bất ngờ khi có người đến thăm. Bởi trước đó, chẳng ai còn nhớ đến sự tồn tại của người phụ nữ này khi hàng trăm mảng thịt dư bắt đầu xuất hiện dày đặc.
"Tui bị vậy đã 30 năm rồi, trước cũng ít nhưng dần dần nhiều hơn. Giờ thì khắp người đều có, ai thấy tui cũng sợ cả" , cô Ngưu vừa nói vừa chỉ vào những mảng thịt dư trên người.
Đưa tay quệt nước mắt, cô Ngưu cho biết kể từ khi mắc chứng bệnh lạ, chẳng ai dám đến gần cô, cứ nhìn thấy cô xuất hiện ở đâu là mọi người tìm cách né tránh. Người nào can đảm lắm mới chịu đến gần…
Cô Ngưu bật khóc mỗi khi nhắc đến hoàn cảnh của chính mình.
Hàng trăm mụn thịt dư nổi khắp người khiến mọi người sợ hãi mỗi khi nhìn thấy cô Ngưu.
"Họ nói tui hông phải con người, giờ biến thành con gì rồi tui hông biết nữa. Trước giờ ở đây có ai bị đâu, chỉ có mình tui thôi" , cô Ngưu bật khóc.
Theo cô Ngưu, kể từ lúc mắc chứng bệnh lạ, cô chỉ biết thui thủi một mình ở trong nhà, không dám ra ngoài vì sợ mọi người trêu chọc, kỳ thị. Về sức khỏe, những mụn thịt dư trên người khiến cô đau nhức toàn thân, nhiều lúc bị tê cứng không thể nào chịu nổi.
"Giờ mắt tui bị mờ luôn rồi, không còn nhìn thấy rõ nữa, hông biết còn sống được bao lâu. Trước kia tui có đi làm mướn cho người ta, nhưng khi mụn thịt nổi nhiều quá, người ta sợ, không ai thuê tui nữa" , nói đoạn, cô Ngưu hướng mắt về phía ngoài đầu ngõ, ngần ngại.
Nụ cười nghẹn của người phụ nữ 58 tuổi sống cô độc trong căn nhà xập xệ.
Mọi sinh hoạt, ăn uống cô Ngưu đều nhờ vào sự giúp đỡ của người khác.
"Có người họ thương tui, họ đem đồ ăn tới cho, ngày nào họ cho đồ ăn thì tui ăn, không thì nhịn đói. Nhiều lúc tui buồn lắm, thấy người ta có gia đình, tui có một mình à, mà có ai chịu thương mình đâu. Tui như vầy, ai mà chịu chứ…" , cô Ngưu nghẹn lời.
"Tui chỉ ước mọi người đừng kỳ thị tui nữa"
Mò mẫm bước đi trong căn nhà thiếu ánh sáng, cô Ngưu bưng tô bún chan nước tương được một người hàng xóm tốt bụng mang đến rồi ngồi bệt xuống đất. Nặng nhọc, người phụ nữ lớn tuổi ăn vội tô bún, chua xót nói: "Phải chi ngày nào tui cũng có đồ để ăn".
Đối với cô Ngưu, cơm ngày ba bữa của cô hoàn toàn phụ thuộc vào chút tình thương còn xót lại của những người chòm xóm. Dù cho họ vẫn sợ và xa lánh người bệnh tật như cô.
Thương cảm cho số phận của mình, không giữ được xúc động, cô Ngưu bật khóc: "Tủi thân lắm, sống một mình không con cái, cái chòi thì dột nát cả, không có điện gì luôn, tui ước gì mọi người đừng kỳ thị tui nữa".
Nhìn những vật dụng đơn sơ trong cái chòi dột của cô Ngưu, chúng tôi chẳng thể nào tưởng tượng nơi này đang có một người phụ nữ sinh sống. Không đèn điện, không quạt máy, ngọn đèn dầu hiu hắt chập chờn trong căn phòng tối như chính số phận buồn tủi của cô Ngưu.
Ngoài đầu ngõ, tiếng chó sủa xen lẫn tiếng bước chân, một người phụ nữ trạc tuổi hồ hởi tiến vào nhà, vừa nói tiếng Khơ-me với cô Ngưu. Khuôn mặt cô Ngưu rạng rỡ lên niềm hạnh phúc khi gặp lại người quen.
Thương hoàn cảnh của cô Ngưu, cô Đầy chẳng sợ hãi mà thường hay lui tới để giúp đỡ bạn.
"Bả đi bắt heo mướn, bả thương tui dữ lắm, hay đến đây thăm cô, mua đồ ăn cho cô nữa" , cô Ngưu xúc động.
Dường như đã quá quen thuộc với cơ thể đầy những mụn thịt dư của cô Ngưu, cô Diệp Thị Đầy không ngần ngại đến gần, đưa tay sờ vào cơ thể bạn, tâm sự.
"Cái này tui biết nó không có lây đâu nhưng mọi người thấy sợ nên xa lánh. Trước tui không quen bà này, nghe người ta nói nên tui đến thăm rồi thương cho hoàn cảnh của bả. Thấy mình đã khổ rồi mà bả còn khổ hơn mình" , vừa nói cô Đầy vừa cười nghẹn khi được hỏi về công việc.
"Tui á hả, tui đi bắt heo mướn, có 20 ngàn/con à. Mà kệ, mình không có nhiều thì mình giúp ít chứ thấy bả mà thương dứt ruột".
Theo cô Đầy, cũng vì hoàn cảnh khó khăn, bị mọi người xa lánh nên cô Ngưu sống khép mình, mỗi ngày đều trông chờ vào lòng thương của người khác, ai cho gì ăn nấy cho qua bữa.
"Bả ước được chữa bệnh cho đỡ ngứa, được ăn một bữa cơm đầy đủ cá thịt… bả nói với tui lâu rồi, nhưng sao mà thực hiện được" , cô Đầy trầm ngâm.
Trong căn nhà ẩm thấp, 2 người phụ nữ ngồi lại tâm sự cùng nhau. Có lẽ với cô Đầy, việc được nhìn thấy cô Ngưu có đầy đủ cơm ăn, thuốc uống cho đỡ ngứa là một mong ước xa vời mà bản thân cô chẳng thể nào giúp được.
Mong ước có cơm ăn, đủ tiền thuốc men cho bớt đau nhức của cô Ngưu cần lắm sự chung tay của mọi người.
Hi vọng trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, số phận bất hạnh của cô Thạch Thị Sa Ngưu, quý độc giả gần xa có thể quan tâm ủng hộ để cô Ngưu có đủ cơm ngày ba bữa, được lên TP.HCM để khám chứng bệnh lạ trên người.
Vì cô Ngưu không có điện thoại, mọi sự giúp đỡ xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại cô Diệp Thị Đầy: 0384976045. Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 0741000680075.
Chủ tài khoản: Thạch Thị Sa Ngưu, chi nhánh Vietcombank tỉnh Trà Vinh.
Xin chân thành cảm ơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét